Tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng
gia tăng và diễn biến phức tạp. Không còn là chuyện của riêng con trẻ,
bạo lực học đường trở thành vấn đề "nóng", cần sự vào cuộc của toàn xã
hội để ngăn chặn, phòng ngừa, từ đó đẩy mạnh xây dựng môi trường học tập
an toàn, nhân văn.
Báo động tình trạng bạo lực học đường
Hiện
nay tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng và diễn
biến phức tạp, đáng báo động. Qua tìm hiểu, phần lớn các vụ bạo lực học
đường đều xuất phát từ những nguyên nhân rất đơn giản như
va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau
trên các diễn đàn, mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè,
thậm chí chỉ từ một ánh mắt bị cho là “nhìn đểu”… Hệ lụy từ những vụ bạo lực học đường thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần.
Theo
phân tích của các chuyên gia tâm lý, những học sinh bị bạo lực, nhất là
bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương,
chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp, thậm chí là sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh.
Những tổn thương tinh thần kể trên, nhẹ thì trong một thời điểm nhất
định, nhưng cũng có trường hợp có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em
không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học
hành. Qua điều tra xã hội học, những tác động tiêu cực do bạo lực học
đường không chỉ đối với nạn nhân mà còn ảnh hưởng tới những em chỉ chứng
kiến chứ không tham gia hành vi bạo lực. Các em cũng cảm thấy sợ hãi và
nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị nghiêm trị thì sẽ tạo tiền lệ
xấu xem nhẹ pháp luật, dư luận xã hội, những em chứng kiến rất dễ hùa
theo số đông, ủng hộ hành vi này và sau này có nhiều khả năng trở thành
kẻ có hành vi bạo lực.
Chung tay vì thế hệ trẻ
Thời gian qua, với vai trò nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, lực lượng công an các cấp tăng
cường công tác nắm tình hình trong học sinh, sinh viên, nhất là trên
không gian mạng, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc phức
tạp liên quan đến bạo lực học đường nói riêng và tình hình an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội nói chung. Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp
vụ thuộc Công an thành phố Hải Phòng cũng đẩy mạnh tuyên tuyền về chấp
hành các quy định pháp luật nói chung và trong lĩnh vực an ninh mạng, an
toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy... nói riêng. Trong đó, chú
trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến các quy tắc văn
hoá ứng xử trên không gian mạng và trong thực tế cuộc sống; các hành vi
bị pháp luật nghiêm cấm như xúc phạm danh dự, làm nhục, cố ý gây thương
tích... cho người khác.
Tuy
nhiên, bạo lực học đường là vấn đề xã hội, liên quan đến nhiều tổ chức,
đoàn thể, tầng lớp nhân dân, do đó để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước
chấm dứt tình trạng bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của riêng
lực lượng Công an, mà rất cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội.
Đi từ tế bào nhỏ gia đình, cái nôi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục
nhân cách con người, hơn lúc nào hết, trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ
cần quan tâm sát sao đến sự thay đổi tâm sinh lý của các con để sớm nhận
ra những biểu hiện bất thường, nhất là lứa tuổi từ 12 đến 18, để kịp
thời uốn nắn, điều chỉnh, định hướng, từ đó tạo lập cho các con những
hành vi, ứng xử hướng tới cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng, không bạo lực.
Ngôi nhà thứ hai là nhà trường, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức các
môn học, các thầy cô cũng cần chú
trọng việc dạy các môn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh,
sinh viên, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, tích cực, hạnh phúc, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Nhất là trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn, để các em có hành động đẹp, biết yêu thương, tôn trọng bạn bè. Đặc biệt đối với giáo viên chủ nhiệm cần gần gũi, nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh, không để các hành vi tiêu cực, bạo lực xảy ra.
Trong
bối cảnh thông tin không biên giới, các cơ quan quản lý nhà nước cần
siết chặt kiểm soát những thông tin, nội dung đăng tải trên internet,
những phim ảnh, trò chơi lưu hành ngoài thị trường, những hội nhóm được
thành lập với mục đích lôi kéo giới trẻ, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, xử
lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ
tục. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp các cơ sở
giáo dục trên địa bàn cũng như phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn
thể như Đoàn Thanh niên tạo các hoạt động, sân chơi lành mạnh thu hút
các em tham gia, xây dựng lối sống tích cực, nhân văn. Đồng thời, cùng
gia đình chung tay giám sát, quản lý, giáo dục học sinh, kịp thời phát
hiện, ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc xảy ra.