(Haiphong.gov.vn)
– Sáng 2/2, Ban Quản lý Di tích Từ đường họ Mạc Cổ Trai xã Ngũ Đoan,
huyện Kiến Thuỵ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ
chức Khai mạc “Hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần thứ 2 năm
2023”. Dự Lễ khai mạc Hội thi có đồng chí Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch
UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan
cùng hàng nghìn Nhân dân, du khách thập phương.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức. Ảnh: Hoàng Dương
Hội
thi diễn ra từ ngày 01 đến ngày 3/2 (tức 11 - 13 tháng Giêng, năm Quý
Mão), thu hút 64 đô vật đến từ 13 đoàn trong cả nước tham dự, tranh tài ở
8 hạng cân. Trong đó có 6 hạng cân dành cho nam với 47 đô nam và 2 hạng
cân dành cho nữ với 17 đô nữ.
Hội
thi sẽ trao tặng 1 giải Nhất trị giá 5 triệu, 1 giải Nhì trị giá 3
triệu và 1 giải Ba trị giá 2 triệu đồng cho mỗi hạng cân, cùng các giải
khích lệ, đặc biệt là Giải Đô lực sỹ với mức thưởng 10 triệu đồng và
phần quà lưu niệm đặc biệt danh giá. Các giải thưởng hấp dẫn sẽ góp thêm
động lực cho các đô vật tài năng về dự hội càng quyết tâm hơn trong mỗi
keo vật. Ngoài các giải thưởng chính hấp dẫn, Hội thi còn có các giải
khích lệ như Giải Đô vật trẻ tuổi nhất, Giải Đô vật nữ tài năng, đặc
biệt là Giải Đô lực sỹ với mức thưởng cao cùng phần quà lưu niệm đặc
biệt. Hội thi nằm trong hệ thống giải của Liên đoàn Vật Việt Nam được tổ
chức đúng theo thể thức của Luật Vật Dân Tộc.
Đoàn tế lễ, các đại biểu cùng đại diện các vận động viên tiến ra sới vật.
Mở
đầu Lễ Khai mạc Hội thi là nghi lễ Cáo trình và Dâng hương Thái Tổ Nhân
Minh Cao Hoàng Đế Mạc Đăng Dung diễn ra trước hương án Di tích lịch sử
quốc gia Từ Đường họ Mạc Cổ Trai, đoàn tế lễ, các đại biểu cùng đại diện
các vận động viên tiến ra sới vật được dựng tại sân Hạ từ đường. Tại
đây, Tiến sỹ Hoàng Văn Kể - nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng
Ban Tổ chức Hội thi phát biểu khai Hội, đánh hồi trống chính thức tranh
tài.
Tiếp
đó là hoạt cảnh "Keo vật thiên mệnh" do các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn
Chèo Hải Phòng biểu diễn, gợi nhớ thời khắc lịch sử khi trống kinh thành
và loa triều đình xướng tên Đô lực sĩ Mạc Đăng Dung đã chiến thắng tất
cả các đô vật ứng thí để đoạt danh hiệu Võ Trạng Nguyên lừng lẫy.
Các đô vật nam thi đấu.
Một
điểm đặc sắc đó là các Giải vật dân tộc sẽ được khai mạc với keo vật
độc đáo, đó là keo vật thờ. Đô vật tham gia keo vật thờ phải là những đô
vật khoẻ mạnh, có kỹ thuật, chiến thuật điêu luyện hoặc là các lão đô
đã qua tham gia thi đấu nhiều năm và có thành tích… Tham gia keo vật thờ
của Hội thi năm nay là 2 lão đô vật Phạm Văn Loa và Nguyễn Hồng Điều.
Đây
cũng là hoạt động đặc sắc của mỗi hội thi Vật dân tộc, keo vật thờ
trước hết là một hoạt động có ý nghĩa tâm linh nhằm báo cáo với thần
linh về hội vật và gửi gắm nguyện ước của người dân mong cho mưa thuận
gió hòa, mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, keo vật thờ diễn ra với những
động tác chậm rãi, đẹp mắt được thực hiện bởi hai đô vật tài ba, đức độ.
Đây thực sự là món ăn tinh thần đã được nâng lên mức nghệ thuật của môn
đấu vật cổ truyền dân tộc Việt Nam ta. Sau keo vật thờ, các keo vật thi
hội chính thức diễn ra.
Các đô vật nữ thi đấu.
Hội thi được tổ chức vào thường niên mùa xuân (sau Tết cổ truyền của dân tộc) nhằm
từng bước hình thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, xây dựng một thương
hiệu vật nổi tiếng thời Mạc tại vùng đất Dương Kinh xưa, Kiến Thụy nay,
góp phần phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế - xã hội địa phương và
thành phố. Hội thi được tổ chức nhằm mục đích không ngừng động viên,
thúc đẩy phong trào truyền dạy, tập luyện môn vật dân tộc trong đông đảo
nhân dân, nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa - thể thao của
dân tộc, đồng thời khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa dân gian
đặc sắc của người dân trên miền đất Dương Kinh xưa, tri ân Thái Tổ Nhân
Minh Cao Hoàng Đế Mạc Đăng Dung, vốn là Đô lực sỹ - Võ Trạng nguyên,
khai sáng Vương triều Mạc.
Đông đảo người dân và du khách tham dự Hội.
Sử
sách còn ghi rõ truyền thống thượng võ của người dân và xã hội Việt Nam
thời Mạc (thế kỷ XVI) rất được đề cao và phát triển, tiêu biểu là Thái
Tổ Nhân Minh Cao Hoàng Đế Mạc Đăng Dung. Hàng năm, cứ vào dịp Tết đến
Xuân về, sau một mùa vụ làm đồng vất vả, mùa màng bội thu, mọi người lại
quây quần xem các chàng trai vạm vỡ thi nhau đấu vật trong tiếng trống
thúc giục cùng tiếng hò reo, cổ vũ vang dậy đất trời. Ngay từ những ngày
đầu chấn hưng đất nước, một lần, nhân tiết xuân sang, trong không khí
hội vật Cổ Trai đang diễn ra tưng bừng, xa giá về thăm, Hoàng đế đã
truyền dạy, mong muốn môn vật dân tộc tại quê hương mãi mãi lưu truyền.
Hội
thi vật nhằm khơi dậy tinh thần thượng võ, rèn luyện ý trí, thể lực,
mang lại lợi ích trong lao động sản xuất và bảo vệ đất nước, là truyền
thống tự hào của quê hương, của dân tộc. Truyền thống thượng võ đó đã đi
vào đời sống xã hội đương thời như một đặc trưng của nền văn hóa của
dân tộc thời Mạc, được lưu truyền, lan tỏa rộng rãi như một món ăn tinh
thần không thể thiếu trong đời sống người dân và cộng đồng xã hội.