Tham
dự Chuyên đề, về phía Sở GDĐT có đồng chí Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở,
đồng chí Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở cùng các đồng chí lãnh đạo chuyên
viên phòng Giáo dục trung học. Về phía Hiệp hội làng nghề Hải Phòng có
đồng chí Nguyễn An Hưng – Chủ tịch Hiệp hội các làng nghề Hải Phòng. Về
phía huyện An Dương có đồng chí Phạm Việt Hùng – Phó bí thư huyện ủy,
Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Lương Thế Quý – Phó chủ tịch thường trực
UBND huyện; cùng các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn
nghiệp vụ. Chuyên đề cũng thu hút sự quan tâm, tham dự của các đồng chí
lãnh đạo các xã, thị trấn của huyện An Dương, các thầy cô giáo giảng
dạy Nội dung Giáo dục địa phương tại các trường THCS trên địa bàn thành
phố.
Đồng
chí Đỗ Văn Lợi – Phó giám đốc Sở GDĐT phát biểu tại Chuyên đề ghi nhận
sự tích cực, chủ động của Phòng GDĐT huyện An Dương trong chỉ đạo và
triển khai công tác chuyên môn trên địa bàn. Đồng thời, Phó Giám đốc Sở
GDĐT nhấn mạnh Giáo dục địa phương là một nội dung giáo dục bắt buộc của
chương trình GDPT 2018 nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết căn
bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường,… của địa
phương. Việc triển khai hiệu quả Nội dung Giáo dục địa phương trong các
nhà trường có vai trò quan trọng, giúp bồi dưỡng tình yêu quê hương,
tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, phát triển kĩ năng giải quyết các
vẫn đề thực tiễn cho học sinh.
Tại
chuyên đề, đồng chí Vũ Mạnh Hùng – trưởng phòng GDĐT huyện An Dương nêu
rõ định hướng và nỗ lực của ngành giáo dục đào tạo huyện trong việc
triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 ở tất cả các môn học, trong
đó có Nội dung Giáo dục địa phương. Chuyên đề An Dương- nét đẹp nghề
truyền thống được thực hiện với sự tham gia của ba trường THCS trên địa
bàn huyện: THCS Hồng Thái, THCS Bắc Sơn, THCS Đại Bản nhằm phát triển
phong trào tìm hiểu, gìn giữ và quảng bá nghề truyền thống quê hương.
Hiện nay, huyện An Dương vẫn duy trì nhiều làng nghề truyền thống đem
lại hiệu quả kinh tế cao. Qua các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm thực
tế, học sinh sẽ có thêm hiểu biết và trân trọng nghề truyền thống của
ông cha.
Cô giáo
Phạm Thị Tuyết Nhung – giáo viên trường THCS Bắc Sơn thực hiện giảng dạy
Chủ đề Nghề truyền thống trong Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 theo
phương pháp dạy học dự án. Tiết học thực hiện tại Chuyên đề là tiết báo
cáo kết quả dự án học tập của học sinh. Dưới sự tổ chức của cô giáo, các
em học sinh tích cực chủ động làm việc nhóm, báo cáo kết quả trải
nghiệm các nghề truyền thống bằng nhiều hình thức phong phú. Các em đã
được các thầy cô đưa đến các làng nghề để quan sát dụng cụ, sản phẩm,
quy trình làm nghề; trò chuyện với các cô bác tại làng nghề; tự tay thực
hiện các công đoạn lao động nghề truyền thống.
Dựa trên bảng tiêu chí đánh giá, cô giáo và các nhóm học sinh đánh giá đồng đẳng các sản phẩm báo cáo.
Trong
tiết học, cô Tuyết Nhung còn tổ chức cho học sinh trực tiếp trải nghiệm
một công đoạn làm sản phẩm nghề truyền thống và mời bác Nguyễn An Hưng –
chủ tịch Hiệp hội làng nghề thành phố Hải Phòng hướng dẫn và đánh giá
sản phẩm của các em học sinh.
Các em học sinh tại An Dương không chỉ
năng động, tự tin mà còn rất sáng tạo. Thực hiện nhiệm vụ học tập cô
giáo giao, các em mang đến Chuyên đề bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng
từ sản phẩm nghề truyền thống của huyện nhà và bài hát tự đặt lời ngợi
ca nghề quê hương. Tiết học của cô Tuyết Nhung và học trò đã để lại ấn
tượng tốt đẹp cho các đại biểu tham dự Chuyên đề.