(Haiphong.gov.vn)
– Chiều 25/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức chuyên đề chuyên
môn triển khai hoạt động giáo dục STEM đối với môn Toán và môn Khoa
học. Tới dự có Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Kiệm; Vụ trưởng
Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Tài; Phó Giám đốc Sở Giáo
Dục và Đào tạo Phạm Quốc Hiệu. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở,
ngành và đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự triển khai chuyên đề hoạt động giáo dục STEM.
Năm
học 2023 – 2024 là năm học thứ 4 theo lộ trình bậc Tiểu học thực hiện
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, là năm hết sức quan trọng
trong quá trình đổi mới GDPT. Phát huy những kết quả đạt được và những
bài học rút ra trong quá trình triển khai trong 3 năm học trước, ngay từ
ngày đầu năm học, Phòng Giáo dục Tiểu học – Sở Giáo dục và Đào tạo đã
chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai, chỉ đạo các nhà trường xây dựng
kế hoạch giáo dục nhà trường, xây dựng kế hoạch dạy học các môn học,
hoạt động giáo dục; đăng ký các chuyên đề từ cấp cơ sở đến cấp thành phố
tạo cơ hội trao đổi, giao lưu học tập kinh nghiệm trong chuyên môn
nhằm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) tổ chức bài học STEM môn Toán.
Tại
chuyên đề hoạt động giáo dục STEM, năm học 2023 – 2024 cấp Tiểu học,
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng tổ chức bài học STEM đối
với môn Toán là môn học chủ đạo, bài “Bộ chữ số bí ẩn” qua tiết dạy
minh hoạ của cô giáo Lê Bích Ngọc cùng các em học sinh lớp 4A4 thực
hiện. Bài học được thiết kế dạy trong 3 tiết: Tiết 1: Giáo viên đã thực
hiện hoạt động hình thành kiến thức mới về số có 6 chữ số cho học sinh,
đề xuất ý tưởng làm “Bộ chữ số bí ẩn” và lựa chọn giải pháp thực hiện.
Tiết 2 của bài học là tiết chuyên với các hoạt động: Chế tạo mẫu, thử
nghiệm và đánh giá. Các em học sinh đã biết vận dụng kiến thức Toán học
để xây dựng ý tưởng; biết sử dụng những vật liệu đơn giản lên thiết kế,
thực hiện quy trình kỹ thuật của môn Công nghệ và phối hợp được một số
kỹ năng: cắt, xé, dán, vẽ, ghép, uốn trong môn Mỹ thuật để tạo ra “Bộ
chữ số bí ẩn”. Biết sử dụng “Bộ chữ số bí ẩn” này để luyện tập về số có 6
chữ số và ứng dụng bộ chữ số vào cuộc sống thực tế. Tiết 3: Giáo viên
tiếp tục thực hiện hoạt động hình thành kiến thức mới về số 1.000.000 và
dùng “Bộ chữ số bí ẩn” để củng cố những kiến thức các em đã được học.
Trường
Tiểu học Ngọc Sơn, quận Kiến An đã tổ chức bài học STEM trong môn học
chủ đạo Khoa học, bài “Nhạc cụ tự chế”, do cô giáo Phạm Thị Thanh Hảo
cùng các em học sinh lớp 4E thực hiện. Bài học được thiết kế dạy trong 2
tiết. Trong tiết 1: Giáo viên đã thực hiện hoạt động cung cấp kiến thức
nền về vai trò của âm thanh, tác hại tiếng ồn và sự ô nhiễm tiếng ồn,
cách làm cho nhạc cụ phát ra âm thanh và phân loại được các nhạc cụ.
Tiết 2 của bài học là tiết chuyên đề với hoạt động thực hành vận dụng
làm nhạc cụ thông qua các bước: đề xuất, lựa chọn giải pháp; chế tạo,
thử nghiệm và đánh giá sản phẩm. Các em đã biết vận dụng kiến thức về âm
thanh trong môn học chủ đạo Khoa học tích hợp với kiến thức, kỹ năng đã
học về vẽ và trang trí sản phẩm trong môn Mỹ thuật, tính toán được kích
thước của các vật liệu trong môn Toán học và kết hợp với yêu cầu tự làm
được nhạc cụ gõ đơn giản từ chất liệu sẵn có trong môn Âm nhạc để thực
hành. Các loại nhạc cụ này thuộc nhóm nhạc cụ hơi, nhạc cụ gõ và nhạc cụ
dây.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng hoa cho các giáo viên tham gia tiết dạy.
Qua
các tiết dạy minh hoạ của chuyên đề, là diễn đàn chia sẻ, thảo luận về
lý luận và thực tiễn cũng như những kinh nghiệm, biện pháp thực hiện
hiệu quả giáo dục STEM phù hợp với yêu cầu đổi mới hoạt động dạy học của
Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần đào tạo những con người
toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi học
sinh vào cuộc sống và định hướng tương lai cho học sinh.
Gian trưng bày sản phẩm của hoạt động STEM.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Quốc Hiệu phát biểu tại chuyên đề hoạt động giáo dục STEM.
Phát
biểu tại chuyên đề cấp thành phố hoạt động giáo dục STEM, Phó Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Quốc Hiệu nhấn mạnh: Chương trình GDPT mới
chú trọng phát triển năng lực học sinh, trong đó năng lực tự chủ; năng
lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo vần được
quan tâm. Để phát triển năng lực của học trò thầy cô cần đổi mới phương
pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, trong đó giáo dục STEM là một hình thức
đổi mới. Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng
trang bị cho học trò những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực
khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – theo cách tiếp cập liên môn
và học trò có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Những
kiến thức và kỹ năng trong chương trình giáo dục STEM phải được tích
hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về
kiến thức cơ bản mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những
sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Hoạt động giáo dục STEM giúp học
sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức thông qua hoạt động, tạo hứng thú
trong học tập, trên cơ sở đó sẽ giúp các em có định hướng tốt hơn khi
chọn chuyên ngành ở các bậc học cao hơn.