Ngày
02/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số
1516/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch thành phố Hải
Phòng).
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí một số nội dung chính của Quy hoạch như sau:
I. Quá trình xây dựng Quy hoạch thành phố Hải Phòng
Quy
hoạch thành phố Hải Phòng là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển thành
phố Hải Phòng theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày
24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải
Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện tư duy mới, tầm nhìn
mới, với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài
hạn, giúp khơi thông các điểm nghẽn và khai thác tốt vị trí địa chiến
lược đặc biệt quan trọng của thành phố Hải Phòng.
Với
tinh thần đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã hoàn thành công
tác tổ chức lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt tại Quyết định số 1412/QĐ-TTg ngày 15/9/2020.
Công
tác lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng đã nhận được sự quan tâm, hướng
dẫn của các Bộ, ban, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao,
thường xuyên của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố;
sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các cơ
quan, tổ chức và sự đồng lòng, nhất trí của Nhân dân thành phố.
Quy
hoạch thành phố Hải Phòng được nghiên cứu nghiêm túc, công phu; được
xây dựng trên cơ sở hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy,
giúp đánh giá khách quan, chính xác về hiện trạng cũng như tiềm năng và
khả năng phát triển của thành phố, đảm bảo tính khả thi trong quá trình
triển khai thực hiện.
Đây là bản quy hoạch lần đầu tiên được lập theo phương pháp hoàn toàn mới, với cách tiếp cận tích hợp, đa ngành nhằm xây dựng các quan điểm, mục tiêu trong Quy hoạch thành phố Hải Phòng với yêu cầu là: (1)
phù hợp với quan điểm, định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy
hoạch vùng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển
vùng đồng bằng sông Hồng, về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng; (2) là loại bỏ sự mâu thuẫn, chồng chéo, tranh chấp nguồn lực trong định hướng phát triển giữa các ngành, lĩnh vực của thành phố Hải Phòng thông qua việc xây dựng đầy đủ các nội dung chính theo quy định tại Điều 27 của Luật Quy hoạch và nghiên cứu cụ thể đối với các nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch thành phố.
Ủy
ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã xây dựng các báo cáo đầu kỳ, giữa
kỳ, cuối kỳ theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở đó,
thành phố đã tổ chức 04 đợt lấy ý kiến tổng thể của các Sở, ban, ngành,
đơn vị, các quận huyện, đối với các nội dung của Quy hoạch thành phố Hải
Phòng. Sau đó, đã tổ chức 01 hội nghị lấy ý kiến của: các Sở, ban,
ngành, đơn vị thành phố, các quận huyện; các chuyên gia, nhà khoa học
trong lĩnh vực quy hoạch; các Trường đại học, cơ sở nghiên cứu trên địa
bàn thành phố; các hội, hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn trên
địa bàn thành phố.
Thực
hiện quy định tại Điều 19 của Luật Quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố
Hải Phòng cũng đã tổ chức lấy ý kiến 21 Bộ, ngành Trung ương; 10 địa
phương trong vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời đăng tải công khai hồ
sơ Quy hoạch thành phố Hải Phòng trên Cổng Thông tin điện tử thành phố,
Cổng Thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến của cộng đồng
dân cư, của các tổ chức và cá nhân liên quan; tổ chức Hội nghị phản
biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đối với hồ sơ
Quy hoạch thành phố Hải Phòng trước khi trình Hội đồng thẩm định Quy
hoạch tỉnh để thẩm định, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng
thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
II. Một số nội dung trọng tâm, nổi bật của Quy hoạch thành phố Hải Phòng
2.1. Quan điểm phát triển
Quy hoạch thành phố Hải Phòng đưa ra 06 quan điểm phát triển, đó là:
a)
Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
phải phù hợp, đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh
thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị
quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế
- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước, các Chiến lược quốc gia, các Quy hoạch cấp quốc gia, Quy
hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI;
chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế đặc biệt là “cửa chính ra
biển” đối với cả miền Bắc, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh
tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của
Vùng Đồng bằng sông Hồng, của Bắc Bộ và cả nước.
b)
Tập trung phát triển một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại, nhất
là lĩnh vực kinh tế biển để Hải Phòng thực sự đi đầu trong sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước; sớm trở thành thành phố có
công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ,
xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số; trung tâm kinh tế biển hiện đại,
mang tầm quốc tế.
c)
Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu
quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven
biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối
quốc tế; mở rộng, phân bố không gian phát triển hợp lý, gắn kết chặt chẽ
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa.
d)
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường
với đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần giữ vững chủ
quyền biển, đảo quốc gia; đảm bảo an toàn cuộc sống và sản xuất của
người dân, doanh nghiệp cả trên đất liền và trên biển, đảo; thúc đẩy hội
nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả với trọng tâm là
hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội.
đ)
Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ,
hiện đại, trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối
thông suốt cảng biển với các các vùng nội địa, làm cơ sở cho việc phát
triển mạnh dịch vụ logistics và hạ tầng phát triển kinh tế số, xã hội
số, chính quyền số.
e)
Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên
đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và các loại
khoáng sản; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi
trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ
động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm
phát thải khí nhà kính.
2.2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030
a) Mục tiêu tổng quát
Xây
dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu
cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi
số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp
hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện
đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường
sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh
tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là
dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo
dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ;
đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao
ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội
được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
b) Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể
- Về kinh tế:
(1)
Tỷ trọng đóng góp GRDP của thành phố Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP)
của cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế
(GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm, trong đó: Công
nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm,
xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm
nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm;
(2)
Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,7% (công nghiệp
chiếm 46,8%); ngành dịch vụ chiếm 43,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy
sản chiếm 1,0%; và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,1%;
(3) GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 558 triệu đồng tương đương khoảng 21.700 USD;
(4) Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 đạt 56 - 59%;
(5) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 8,9 - 10,7%/năm;
(6) Kinh tế số đạt khoảng 40% GRDP thành phố;
(7) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2030 đạt 300 - 310 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 90 - 98 nghìn tỷ đồng;
- Về văn hóa - xã hội:
(1) Duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) của thành phố ở nhóm 5 tỉnh thành phố đứng đầu cả nước;
(2) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non đạt 85%; Tiểu học đạt 95%; Trung học cơ sở đạt 90%; Trung học phổ thông đạt 90%.
(3) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52%;
(4) Số giường bệnh/vạn dân đạt 45 giường; số bác sỹ/vạn dân đạt 16 bác sỹ;
(5) Tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,1%;
(6) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%;
(7) Giải quyết việc làm cho trên 6 vạn lượt lao động/năm;
(8) Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,0%;
(9)
Có 100% đơn vị hành chính cấp xã, 60% đơn vị hành chính cấp huyện có
Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao đạt chuẩn theo quy định.
- Về môi trường:
(1) Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 100%;
(2) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%;
(3) Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp và đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%;
(4) Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 9% tổng diện tích tự nhiên.
- Về không gian và kết cấu hạ tầng:
(1) Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 74 - 76%;
(2)
Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Thành lập thành phố
thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; hoàn thành việc chuyển
đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận;
(3) Giai đoạn 2021 - 2030, diện tích sàn nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 3,5 triệu m2;
(4)
Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 100% số huyện đạt
chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao; thành phố được công nhận hoàn
thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
- Về quốc phòng, an ninh:
(1)
Bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; gắn kết chặt
chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc
phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã
hội;
(2) Hoàn thành 100% chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự; 100% chỉ tiêu xây dựng lực lượng dự bị động viên;
(3) Tỷ lệ phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt 100%;
(4) Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án hình sự đạt tỷ lệ trên 92%.
2.3. Tầm nhìn đến năm 2050
Hải
Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ
cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông
minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng
4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố
hàng đầu Châu Á và thế giới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng
xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên
nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số,
phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh. Người
dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh
xã hội bền vững; dịch vụ trợ giúp xã hội đa dạng và chuyên nghiệp, kịp
thời hỗ trợ và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Các giá trị, bản
sắc văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy. Môi trường sống tốt, thân
thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
2.3. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
a)
Cảng biển và dịch vụ logistics: Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành
một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch
Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển
quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển
và logistics. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong
đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá,
nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên
thế giới.
b)
Chuyển đổi số: Là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng
chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Chuyển đổi số toàn diện theo
Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt
động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố dựa trên áp
dụng công nghệ số, dữ liệu số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là
ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics,
du lịch - thương mại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn,
tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của
dân cư.
c)
Phát triển du lịch: Xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có
sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch
biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành
phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các
tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu
vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá
trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
2.4. Một số định hướng mới, nổi bật trong Quy hoạch thành phố Hải Phòng
Một là,
với quan điểm mở rộng, phân bố không gian phát triển hợp lý, Quy hoạch
thành phố Hải Phòng đã định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển phía
Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha để tận dụng lợi thế của cảng
Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng.
Thực
hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Quy hoạch
thành phố Hải Phòng cũng định hướng sẽ thành lập Khu thương mại tự do
trong Khu kinh tế mới để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm,
cách làm hay ở trong nước và quốc tế về khu thương mại tự do, áp dụng
tại thành phố Hải Phòng.
Từ
đó, Khu kinh tế ven biển phía Nam (trong đó có Khu thương mại tự do)
được kỳ vọng là đòn bẩy đủ mạnh giúp đánh thức tiềm năng phát triển kinh
tế của vùng đất phía Nam thành phố Hải Phòng.
Hai là,
Hải Phòng là địa phương duy nhất ở miền Bắc hội tụ đủ 05 loại hình giao
thông. Trên cơ sở đó, Quy hoạch thành phố Hải Phòng đã tập trung vào
định hướng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải, đảm bảo
thống nhất với các quy hoạch ngành quốc gia về giao thông, trong đó
trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt
cảng biển với các các vùng nội địa. Cụ thể:
-
Định hướng đầu tư xây dựng phát triển cảng biển Hải Phòng để xứng tầm
với vai trò là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Tập trung hoàn
thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông
Cấm; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc.
-
Định hướng xây dựng mới các tuyến đường sắt: (1) Tuyến Hà Nội – Hải
Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn –
Hà Nội – Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải
Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với
các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện; (2) tuyến đường sắt
ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
- Định hướng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Nghiên cứu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.
-
Tiếp tục phát triển, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ liên vùng,
xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Phát triển các tuyến trục
chính đô thị hướng tâm và đường vành đai thành phố. Xây dựng các nút
giao thông khác mức tại các giao lộ có mật độ giao thông cao.
-
Phát triển các tuyến đường thủy ven biển, nối liền các cửa sông lớn của
thành phố và các tỉnh lân cận, kết nối với khu vực cảng biển Lạch Huyện
để tận dụng ưu thế của vận tải sông pha biển; các tuyến đường thủy nội
địa quanh các đảo thuộc quần đảo Cát Bà phục vụ vận chuyển khách du
lịch.
Ba là,
Hải Phòng là thành phố biển, mạnh về biển. Với quan điểm sử dụng hiệu
quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên và phát triển kinh tế xanh, bền
vững, Quy hoạch thành phố Hải Phòng đã đưa ra đề xuất, định hướng tập
trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó điểm nhấn là việc ưu
tiên phát triển nguồn điện gió ngoài khơi (công suất dự kiến 2.500MW),
đảm bảo cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
2.5. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch
Để hoàn thành tốt
các định hướng, các mục tiêu của quy hoạch, thành phố Hải Phòng đưa ra
09 nhóm giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực và triển khai thực hiện,
giám sát việc thực hiện quy hoạch, đó là:
- Giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư;
- Giải pháp phát triển nguồn nhân lực;
- Giải pháp về bảo vệ môi trường;
- Giải pháp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
- Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển;
- Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn;
- Giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước;
- Giải pháp cơ chế chính sách;
- Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Trên đây là một số nội dung cơ bản của Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các
định hướng của Quy hoạch thành phố Hải Phòng là rất rõ ràng, cụ thể,
mang theo khát vọng lớn về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng
thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt là mong muốn tạo ra thay đổi thực sự cho thành phố Hải Phòng, cụ thể hóa bằng các công trình, các dự
án thực tế được triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, từ
đó nâng cao chất lượng và đời sống của Nhân dân thành phố, góp phần xây
dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Ủy
ban nhân dân thành phố Hải Phòng trân trọng đề nghị các cơ quan thông
tấn, báo chí tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với thành phố trong
việc truyền thông rộng rãi về những nội dung cơ bản của Quy hoạch thành
phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm quảng bá,
thu hút đầu tư, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng
lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Quy hoạch thành phố Hải
Phòng.